Một câu chuyện hay

Một câu chuyện hay

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người vẽ được rất nhiều, khiến ai cũng khen ngợi.

Ông mở một lớp học vẽ để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong đám học trò, Rajeev là người giỏi nhất, chăm chỉ, thông minh, nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Ranga gọi Rajeep đến và bảo :
– Ta tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi! Rajeev làm việc ngày đêm, trong nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga. Ranga xem qua rồi bảo :
– Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể xem, rồi hãy viết bên dưới bức tranh : tôi sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra những sơ suất trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó” !

Rajeev làm theo lời thầy. Đặt bức tranh ở quảng trường lớn với mẩu giấy ghi lời đề nghị ấy.

Hai ngày sau, Ranga bảo Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga lại bình thản và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. 

Rajeev vẽ một tác phẩm khác. Lần này, Ranga bảo hãy để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh, và thay đổi nội dung ghi bên dưới :  “Hãy tìm những chỗ sai trong tranh và tự sửa lại bằng những dụng cụ có sẵn tại đây” Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev thấy bức tranh không bị sửa gì liền vui vẻ đem đến cho Ranga. 

Ranga nói :- Con đã thành công vào ngày hôm nay.
.
Bởi vì nếu chỉ thành thạo về kỹ thuật hội họa thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó.

Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng.

Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Người ta dễ dàng đánh dấu “X” lên bức tranh đầu tiên của con vì chẳng những việc ấy dễ, mà họ còn không có trách nhiệm gì, nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ sự thiếu hiểu biết, hoặc những kỹ năng mà có thể họ không có. Nên họ quyết định né đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

ST.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Những Điều Làm Tâm Hồn Hạnh Phúc ..

Những Điều Làm Tâm Hồn Hạnh Phúc ..

Những Điều Làm Tâm Hồn Hạnh Phúc, Thăng Hoa ..

1, Giữ cho tâm tình đơn giản
Càng suy nghĩ quá nhiều, càng làm cuộc sống thêm phức tạp, tâm tình “đơn giản” thật ra chính là một ân phước do chính mình ban bố cho bản thân.
Dừng lại những suy nghĩ lăng xăng, là biết cách làm mới tâm hồn mình với những niềm vui đơn giản.

2. Sống với nội tâm bình thản
Đến độ tuổi nào đó, tự nhiên con người chúng ta không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.

3. Nhận biết chính mình
Bất đồng ý kiến với bạn bè, đồng nghiệp, nói chuyện mâu thuẫn với mọi người, tranh cãi với người yêu. Những điều này xét cho cùng cũng chẳng sao, vì mâu thuẩn vốn là bản chất của đời sống.
Điều quan trọng là nhận biết cá tính ưa ” ăn thua đủ ” trong chính mình mà có lúc cần buông xuống, đừng nghĩ cúi người xuống nói lời xin lỗi là chấp nhận mình thua thiệt, bởi vì ngay lúc ”thua thiệt” đó mình đã thắng được chính mình, mà thắng được chính mình mới là người có nội lực thực thụ.

4, Hối lỗi và thứ tha
Làm người, biết hối hận những lầm lỡ mình đã tạo gây chính là người sống có lương tri, tỉnh thức.
Tuy nhiên, chúng ta không thể ngược thời gian trở về quá khứ để bôi xóa đi lầm lỡ. Hãy nhìn vào lỗi lầm, rút ra bài học cho tương lai. Biết tha thứ lầm lỗi của người để con tim mở rộng nhưng cũng nên biết thứ tha lỗi lầm của mình để..”trời quang mây tạnh” tâm hồn..

5. Học hỏi chung quanh
Quan sát cuộc sống để thấy trường đời là một bài học lớn, người tốt dạy ta đã đành, mà người xấu cũng dạy mình sống sao đừng giống họ. Biết học từ sự quan sát sẽ mang lại niềm vui ở hiện tại và mang lại cuộc sống hạnh phúc, thanh thản ở tương lai.

6. Cần Biết hờ hững …
Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.

7. Dành những khoảng trống, buông xả bản thân
.
Có câu thơ của vị một thiền sư:

“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ
Làm người một kiếp cũng như không”

Ai cũng biết cuộc đời rất ngắn mà vẫn lu bu với những tham vọng rất dài, người sống như thế thường nghĩ mình thông minh nhưng kỳ thực là không phải.
Đôi khi, ngồi nhìn mây nước, hư không, không làm chi cả mà.. sống được rất nhiều. Sống không bó buộc trong không gian và thời gian, chính là Người Biết Sống.

8. Chúc phúc cho tha nhân
Khi soi gương nếu ta cười, ta khóc thì hình ảnh phản chiếu trong gương như vậy.
Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như thế.
Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui.

Niềm vui chia sẻ cho người
Nghe chừng hạnh phúc lên ngôi giữa lòng
Nổi buồn, nếu được cảm thông
Nguôi ngoai hết cả bão giông tâm hồn…

Như Nhiên
TTT

Bình yên ở nơi đâu?
Tác giả: Minh Niệm
Diễn đọc: Phan Anh | Trích Radio 20: CTTOL

Uploaded by Thầy Minh Niệm
Posted in Uncategorized | Leave a comment

Tâm thức nhiệm mầu, thế giới nhiệm mầu

Tâm thức nhiệm mầu,
Thế giới nhiệm mầu

Uploaded by MINH NIỆM | Radio CHỈ TÌNH THƯƠNG Ở LẠI 

Oct 2021
Posted in Uncategorized | Leave a comment

Cánh Vạc Về Trời

Nếu tôi có một bông hoa cho mỗi lần tôi nghĩ về mẹ tôi, thì tôi đã có thể bước đi trong khu vườn của tôi mãi mãi.  

If I had a flower for each time I thought of my Mother,
I can walk in my garden for ever.”   “Unknown

Cánh Vạc Về Trời

AnDNHạ

Năm cùng tháng tận. Khi thốt lên bao giờ tôi cũng thoảng chút giật mình… Mới hay, những gì bất chợt nhận ra đã thuộc về hôm qua mới tha thiết làm sao! 

Mùa đông năm nay có vẻ như lạnh và ủ dột hơn năm rồi, có hôm bước ra bên ngoài sửa lại mấy chậu bông nhỏ bị gió lùa làm ngã nghiêng, cái lạnh có khi làm tôi rùng mình mấy lượt. Cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch là tôi rải hột vạn thọ, bông sẽ nở rộ vừa kịp tết, không biết năm nay đám hột vạn thọ tôi ươn có lạnh quá mà ngủ vùi luôn dưới lớp đất, quên không thèm nẩy mầm lên đón tết với tôi?

Tết sắp về rồi sao? Cảm giác nhớ nhà trỗi dậy… cựa quậy… 

Nhớ nhất trong tôi là những cái tết thuở tuổi lên 5 lên 10… tôi như đang trở về chạy chơi suốt những mùa tết tuổi thơ có đủ đầy ba má anh chị em… Tết tròn vẹn sum vầy là cái tết đầy đủ hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ai đã tha hương rồi mới nhận ra. Phải vậy không?

Nhớ tôi loăng quăng chạy ra chạy vào trong bếp, ngó ngược lại phía sau dòm má, tôi nhón miếng mứt dừa còn bày trên cái mâm má chưa kịp cất vào thố… lát lát chạy vào, má không để ý, lại nhón thêm trái mứt tắc ngậm im trong miệng chạy vụt lên nhà trên rồi mới nhai chóp chép ngon lành… nhớ quá chừng cái cảm giác ngon thấu dạ thấu lòng khi ăn vụng đồ ăn của má.

Nhớ từng cái nia trải đầy củ kiệu, củ cải, củ hành đặt trên mấy cái ghế xếp tròn má đặt trước sân, nhớ giọng má nói như để tự mình nghe khi khom lưng xốc lại cho đều mấy thứ đang phơi: “trời hanh nắng vầy chắc chừng một ngày là ráo khô hết”  nhớ má bận rộn lo toan nhưng vẫn thấy má vui thầm với niềm vui bếp núc.

Nhớ tiếng nổ lách tách của mấy cây củi ngo chụm mồi lửa chưa cháy hết tỏa thơm một mùi dễ chịu… nhớ bếp lò bập bùng lửa đỏ, dáng má lui cui cời lửa cho than cháy đều. Nhớ mâm cơm chiều cuối năm nghi ngút khói, những món ăn giản dị nhưng chan đầy lòng yêu mến má đặt vào trong đó cho cả nhà…

Nhớ ba tôi chỉnh tề khoan thai bước qua ngạch cửa nhà mình đi một vòng hết con đường, rồi trở về đứng trên khoảng sân còn lưu lại những nét phấn vẽ nguệch ngoạc của mấy đứa con nhỏ mình vẻ chơi chiều nay, nhớ hình như ba cười, chắc tại mấy cái ô để chơi nhảy lò cò con ba vẻ xéo xẹo, tay con ba còn non nớt quá mà… nhớ ba đứng ngó má sau khi đã chờ nhang tàn với lòng mong mõi trời đất chứng giám, má thu dọn bàn thờ cúng giao thừa với tất cả sự cẩn trọng thành kính… nhớ má cũng chờ ba từ tốn đặt bước chân đầu năm vào lại căn nhà của mình.

Nhớ má tới lui khẻ khàng trong đêm 30 ngó coi trong nhà còn sơ sễnh gì mang ý nghĩa không tốt cho ngày mai mồng 1 không? Nhớ chú chim non ngước mỏ cất tiếng hót ríu rít đầu năm bên mái hiên nhà, nhớ giọt nắng lúng liếng duỗi dài làm thềm nhà rộn rã bước chân qua, nhớ vết bụi mờ lạ lẫm để lại trên chiếc bàn màu nâu cũ gần cửa sổ có nắng sớm rọi vào có gió chiều thổi qua, mà mỗi lần tết về má tôi đều thay mới bằng những tấm màn ren hoa rất đẹp… 

Kể không xiết, nhớ không hết. Ừ, nhớ không hết!

Và tôi ước ao thời gian xin trôi ngược lại, cho tôi còn thấy ba cười, má cười, cả nhà cười. Ngã nghiêng cả miền thương nhớ. Nhưng ở đâu ra cái sự quay ngược này? Ở đâu ra? Vì vậy mà tôi vẫn tầm tả nhớ thương … 

Tháng 12 năm cũ tôi ôm vào đời hai tiếng mồ côi!

Giờ này bên nhà không khí tết chắc đã bắt đầu xập xình ồn ả lắm rồi, con biết tìm đâu ra mỗi buổi chiều xưa còn ba còn má để con ngóng vọng về? Cái lạnh cuối năm ùa về trên cây lá, thấm đẫm bàn tay run rẫy nụ cười, cái lạnh tỏa ra trong giọng nói của mọi người: “qua noel là tết tới nơi rồi!” .

Ừ, tết tới nơi rồi. Tôi đón mùa vui như bao người. Nhưng vẫn có một lối rẽ ngược vào con đường riêng vắng, ở đó tôi vói vịn vào không gian hư ảo để gặp… để tưởng nhớ… để ngậm ngùi.

Ngày tháng mười hai. Tôi ngồi cân đo đong đếm… dè dặt níu giữ, sợ thời gian trôi rớt qua kẻ tay. Ký ức như một dây đàn đang căng trong tôi, thương nhớ là phím đàn vừa gẩy lên, ngân nga vang vọng lơ lững trong khoảng không rộng lớn giửa thiên đàng và nhân gian… tôi mơ ước chạm tay một lần vào bàn tay già nua vẫy nhớ…

Thời gian không chờ ai. Cuộc đời vẫn bước dững dưng. Chớp mắt thôi đã thấy muôn trùng! 

“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận 
Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm” 

AnDNHạ

Nguồn: TrangNhà Ngô Quyền

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Gia đình – mái ấm

Gia đình – mái ấm

Không có nơi nào thuận tiện cho bằng gia đình, để xây dựng một tổ ấm gồm những người yêu thương nhau. Nơi gia đình, vợ chồng yêu thương nhau và sẵn sàng bỏ tất cả để chung sống với nhau, để có thể lo cho nhau một cách trọn vẹn. Con cái do cha mẹ sinh ra, cha mẹ yêu thương con cái. Con cái thảo hiếu với cha mẹ vì được sinh ra nuôi nấng yêu thương và dạy dỗ. Nếu những người trong một gia đình không yêu thương nhau, thì họ còn tìm đâu ra một môi trường thuận lợi yêu thương như vậy nữa!

Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng sống với nhau không vì yêu thương; có những người con không được yêu thương ngay từ trong dạ mẹ và không được sinh ra; có những người được sinh ra, nhưng không được nhìn nhận như con, và không được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cưng chiều; có những người con được sinh ra, được nuôi nấng nhưng không được yêu thương chăm sóc nên đã bỏ nhà đi hoang. Có những người cảm thấy gia đình không còn là mái ấm nhưng lại là hỏa ngục; và như vậy, có những em bỏ nhà sống bụi đời, và cho rằng thà như vậy còn hạnh phúc hơn ở trong “hỏa ngục trần gian”. Người con rất đau khổ khi thấy cha mẹ mình không yêu thương nhau: gây gỗ và dùng bạo lực với nhau.

Nếu gia đình gồm những người có tương quan máu mủ ruột thịt mà không yêu thương nhau, không tạo nổi một mái ấm nơi đó những thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương săn sóc, thì làm sao xã hội gồm những người khác nhau, không có tương quan máu mủ, lại có thể yêu thương nhau cho được! Tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc, đó là điều khó nhưng cũng vẫn khả thi. Tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một xã hội an ninh hạnh phúc; tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một thế giới hòa bình yêu thương nhau.

Nếu mình không kiềm chế mình, nếu mình để cho những đam mê và những xu hướng xấu ảnh hưởng quá mạnh trên mình, để rồi ngay cả mình cũng không chấp nhận chính mình, thì làm sao người khác có thể chấp nhận mình, cho dù người đó là người thân trong gia đình? “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Để có thể có một gia đình hạnh phúc, mỗi người trong gia đình phải tập làm chủ chính mình. Tu thân, là điều mỗi người phải cố gắng hằng ngày, để vươn tới mức hoàn hảo hơn.

Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nghĩa là, quan tâm đến nhau với những nhu cầu của nhau, đến những bận tâm của nhau. Nếu mỗi người trong gia đình, và ngay cả trong một đơn vị, biết quan tâm đến nhau, săn sóc cho nhau, hy sinh cho nhau, thì đời sống của mỗi thành viên trong đơn vị đó sẽ mỗi ngày một triển nở và hạnh phúc hơn.

Vợ diễn tả ý Thiên Chúa cho chồng; chồng diễn tả ý của Thiên Chúa cho vợ; con cái diễn tả ý của Thiên Chúa cho cha mẹ; cha mẹ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho con cái. Có người vợ người chồng nào không muốn người bạn đời của mình triển nở hạnh phúc? Có người cha người mẹ nào không yêu thương con cái, không muốn điều tốt nhất cho con cái, không tìm cách làm điều tuyệt nhất cho con cái mình? Nếu người chồng người vợ có một tật xấu, thì người chồng người vợ người con cũng mong ước người đó bỏ thói hư tật xấu đó. Thiên Chúa cũng muốn điều đó. Ý của Thiên Chúa được diễn tả qua những người thân yêu trong gia đình.

Mỗi người hãy cố gắng diễn tả ý của Thiên Chúa cho những người trong gia đình mình. Mỗi người trong gia đình hãy cố gắng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho những phần tử khác trong gia đình. Cha mẹ được trao trách nhiệm yêu thương chăm sóc dạy dỗ con cái nhân danh Thiên Chúa. Con cái phải vâng phục cha mẹ, vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa yêu thương mình, muốn điều tốt lành cho mình, dạy dỗ mình trở nên những người tốt nhất theo ý Thiên Chúa.

Mỗi người trong gia đình hãy sống tốt, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Đừng ảo tưởng: nếu ta không xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc được. Ta cũng chẳng có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, nếu mỗi người không tự tu thân sửa mình mỗi ngày. Hãy biến gia đình thành thiên đường hạ giới. Nếu không làm gia đình mình thành một mái ấm thân thương, thì mình cũng chẳng có thể xây dựng được một cộng đoàn nào thoải mái và hạnh phúc thật sự được. Nếu ta không tu sửa chính mình mỗi ngày, thì cũng chẳng có thể sống tốt với người khác, cũng không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc được, cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc thật sự được.

mh winter 2016

Posted in Uncategorized | Leave a comment

hòa điệu


hòa điệu

Jon Kabat-Zinn
Duy Nhiên dịch

Trong khi tôi vừa quẹo vào bãi đậu xe của bệnh viện, trên bầu trời chợt có hàng trăm con vịt trời bay ngang qua.    

Chúng bay thật cao, tôi không hề nghe tiếng kêu gọi đàn của chúng. Ðiều đầu tiên tôi nhận thấy là rõ ràng chúng biết chúng đang đi về đâu. Chúng bay về hướng Tây Bắc, và nhiều đến nỗi đội hình của chúng kéo dài đến tận phía Ðông, khi ánh sáng bình minh của tháng mười một rạng rỡ phía chân trời.    

Nhìn con vịt trời đầu tiên bay ngang qua, cảm xúc vì vẻ đẹp quý phái của chúng, tôi lấy giấy bút trong xe ra, vội vã ghi lại đội hình của chúng bằng cái nhìn và nét vẽ vụng về của tôi. Vài nét bút vội vàng cũng là đủ… chút nữa thôi chúng sẽ biến mất khỏi bầu trời.    

Hàng trăm con vịt trời bay theo đội hình chữ V, nhưng có nhiều con khác bay theo một sự sắp xếp phức tạp hơn. Ðường bay của chúng hạ xuống thấp rồi lại cất lên cao trong một sự hòa điệu rất duyên dáng, giống như một tấm vải lụa uốn mình trong gió.    

Rõ ràng là những con vịt trời có truyền thông với nhau. Vì hình như mỗi con đều biết rõ vị trí của nó, thuộc nơi đâu và phải ở nơi nào trong đội hình phức tạp và biến đổi thường xuyên ấy.

Toàn vẹn trong sự bất toàn

Tôi cảm thấy mình rất may mắn được chứng kiến hình ảnh ấy. Giây phút này là một món quà rất quý báu.    

Tôi đã được phép nhìn thấy và được chia sẻ một cái gì tôi biết rất là quan trọng, không phải là lúc nào ai cũng có được. Một phần là sự hoang dã của chúng, một phần là sự hòa điệu, trật tự và vẻ đẹp mà chúng biểu hiện.    

Trong khi đứng nhìn hành trình ấy, kinh nghiệm thông thường của tôi về thời gian chợt như dừng hẳn lại. Cách sắp xếp của những con vịt trời, mà các nhà khoa học gia thường gọi là “hỗn loạn”, cũng giống như sự hình thành của những khối mây hoặc hình dáng của cây cối. Nơi đó có một trật tự. Bên trong tuy tàng chứa một sự vô trật tự, nhưng cũng lại là một cách rất có trật tự.    

Ðối với tôi thì hình ảnh đó là một món quà tặng rất kỳ diệu và nhiệm mầu. Ngày hôm nay, trong khi đi đến sở làm, thiên nhiên đã biểu lộ cho tôi thấy tính tự nhiên của vạn vật, trong một lãnh vực nhỏ bé. Nhắc cho tôi nhớ rằng cái biết của con người không có là bao, và chúng ta lại ít khi nào biết tán thưởng sự hòa hợp trong vạn vật, hoặc là có thể nhận diện được chúng.

Hãy giữ gìn sự hoà điệu chung quanh ta, và trong ta

Chiều nay, về nhà mở đọc tờ báo hằng ngày, tôi nhận thấy cái hậu quả tàn khốc của việc đốn cây, khai thác những khu rừng già trên vùng cao nguyên ở miền nam Phi Luật Tân. Hậu quả ấy đã hiển lộ khi trận bão dữ đi ngang qua vào cuối năm 1991, khi vùng đất trơ trọi, không còn khả năng giữ nước lại, đã để mặc cho một khối lượng nước lớn gấp bốn lần bình thường, đổ tràn ngập xuống vùng đồng bằng, làm chết đuối hàng ngàn người dân nghèo.    

Bạn đừng bao giờ nói rằng: “Tại nó xảy ra như vậy!” Vấn đề là nhiều khi chúng ta không dám chấp nhận trách nhiệm của mình ở trong đó. Khinh thường sự hòa hợp của thiên nhiên là một sự liều lĩnh lớn!

    Tính chất hòa điệu của thiên nhiên bao giờ cũng có mặt ở chung quanh ta và trong ta. Ý thức được việc ấy sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc lớn. Nhưng thường thì ta chỉ biết tán thưởng khi nó không còn nữa, hoặc chỉ là trong ký ức mà thôi.    

Như cơ thể ta chẳng hạn, nếu mọi việc đều bình thường, ta sẽ không bao giờ để ý đến. Không nhức đầu, ít khi nào là một vấn đề để ta chú tâm. Những khả năng như đi, đứng, nhìn, nghe, suy nghĩ… thường thì chúng ít cần đến sự săn sóc của ta, vì vậy chúng thường bị nhòa lẫn vào trong một sự sống tự động, máy móc và vô ý thức.    

Chỉ có sự đau đớn, sợ hãi hoặc mất mát mới có thể đánh thức ta dậy, và mang ta trở về với thực tại. Nhưng đến chừng ấy thì không dễ gì ta còn có thể nhận thấy được sự hòa hợp nữa! Không khéo ta còn lại bị lôi cuốn theo sự động loạn, nó như một dòng suối chảy xiết, như một thác nước đổ, một chặn đường gian nan trong dòng sông của cuộc sống. Cũng như một người nào đó nói: “Bạn không biết trân quý những gì mình đang có, trừ khi bạn đã đánh mất nó đi.”    

Khi tôi bước xuống xe, trong lòng tôi cúi đầu cảm tạ những người khách lữ hành trên cao ấy, vì đã mang lại cho vùng trời của một bệnh viện văn minh và hiện đại này, một liều thuốc tươi mát của miền thiên nhiên hoang dã.

Jon Kabat-Zinn
Duy Nhiên dịch

Posted in Uncategorized | Leave a comment

được rồi ta sẽ làm gì?

được rồi ta sẽ làm gì?

Trích trong “Một chia sẻ về sống đẹp”
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên

Mấy năm trước tôi có dịch một quyển sách và lấy tựa đề là “Nơi Ấy Cũng là Bây Giờ và Ở Đây”. Tôi thích cái tựa dịch đó lắm. Vì nơi nào mình đến mà chẳng phải là bây giờ và ở đây! Nếu bây giờ ta đang có những phiền muộn, khổ đau thì ta có bỏ đi đâu cũng vậy thôi, nơi ấy cũng sẽ có những phiền muộn và khổ đau. Nếu chiếc lá vàng mùa thu nơi này không đẹp thì chiếc lá vàng nơi nào sẽ đẹp? Nếu những gì ta đang có trong tay vẫn chưa đem lại cho ta được hạnh phúc, thì có thu thập thêm cho nhiều đi nữa, làm sao ta chắc rằng mình sẽ có hạnh phúc?

Một hạnh phúc bận rộn

Ở xã hội này tôi thấy người ta bận rộn lắm. Bận rộn trong việc làm mà còn bận rộn trong lúc nghỉ ngơi và giải trí nữa. Người ta lúc nào cũng phải làm một việc gì, tìm kiếm một cái gì đó. Tôi nghĩ, chúng ta luôn tìm kiếm một cái gì sắp tới hy vọng có thể mang lại cho mình hạnh phúc. Một chuyến đi, một cuộc tình, một chiếc xe mới, một cuốn phim, một dự án, một cuộc gặp gỡ… Có lẽ vì bên trong tâm hồn chúng ta còn trống vắng quá! Vì sợ đối diện với khoảng trống ấy, nên nhiều khi chúng ta muốn đi tìm một hơi ấm từ bên ngoài, dù vẫn biết rằng nó rất phù du.

    Người ta đi tìm quên lãng, trong tiếng cười nói ồn ào, qua những cuộc gặp mặt vội vàng, hay những tách cà phê tan loãng. Nhưng rồi khi về lại căn phòng nhỏ của mình, họ cũng chỉ thấy có riêng ta “soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm…”

    Cuộc đời có nhiều thứ hạnh phúc. Có những hạnh phúc mang ta đến hạnh phúc và có những hạnh phúc đưa ta đến khổ đau. Có những cuộc vui mang lại cho ta một sự bình yên và tĩnh lặng, ta gọi là an lạc. Và có những thú vui đem lại cho ta sự dính mắc, chúng trói buộc ta, nhưng ta có nên gọi đó là hạnh phúc không?

Được rồi ta sẽ làm gì?

Trong thần thoại Hy lạp có câu chuyện về một vị thần, anh ta mải mê đeo đuổi theo hình bóng của một người đẹp. Nhưng đến khi anh ta bắt được nàng rồi thì cô ta lại hóa thành một thân cây, trong khi anh ta đứng đó bàng hoàng và bối rối. Câu chuyện ấy nhắc nhở chúng ta rằng, hạnh phúc trên cuộc đời sẽ không bao giờ có thể mang lại một sự bình an cho ta, vừa bắt được thì nó đã trở thành nhàm chán và tầm thường. Nhưng có lẽ người ta vẫn cứ tìm kiếm và theo đuổi mải, vì họ không tin cuộc đời này còn có một hạnh phúc nào khác hơn!

     Có một ông vua khỉ ra lệnh cho thần dân của mình là nếu ai có thể vớt được mặt trăng trên nước và dâng lên cho ông thì sẽ được thưởng lớn. Tất cả những con khỉ cố thử nhưng đều thất bại. Nhưng có một con khỉ nọ vớt được mặt trăng ấy lên và đến dâng cho vua khỉ, “Có phải đây là cái mà Ngài muốn không?” Vua khỉ mừng rỡ nói, “Ngươi tài giỏi thật, đúng là vượt hơn hẳn những kẻ khác!” Con khỉ ấy nói, “Nhưng thưa Ngài, xin cho tôi hỏi là không biết Ngài sẽ làm gì với mặt trăng này?” Vua khỉ ngần ngừ suy nghĩ chút rồi đáp, “Ờ… Thật ra ta cũng chưa nghĩ đến điều ấy.”

    Trong cuộc đời chúng ta ai cũng có những ước mơ. Giả sử như chúng ta nắm bắt được những gì mình mong cầu, rồi ta sẽ làm gì bạn nhỉ? Ta sẽ thật sự có hạnh phúc chăng? Mình đã nghĩ đến chưa?

Giá trị của khổ đau

Mà tôi nghĩ, thật ra khổ đau cũng có giá trị của nó. Đức Phật dạy, khổ đau cũng là một sự thật mầu nhiệm. Nhờ thấy được nguyên nhân của khổ đau mà ta thấy được con đường vượt thoát khổ đau.

    Trong chuyện kể, ngày xưa khi Phật còn là một thái tử, Ngài có xin vua cha cho phép mình được đi xuất gia.

    Vua cha nói, “Cha rất thương yêu con, cha không đành lòng nào thấy con trở thành kẻ ăn xin không nhà không cửa, bữa đói bữa no, rày đây mai đó. Con đừng đi đâu hết, và rồi con muốn gì cha hứa cũng sẽ ban cho con.”

    Phật thưa, “Xin Phụ-vương hoan hỷ ban cho con bốn điều này: Một là làm sao cho con trẻ mãi không già; hai là làm sao cho con mạnh khoẻ hoài không bệnh; ba là làm sao cho con sống hoài không chết; bốn là làm sao cho tất cả được đạo giải-thoát để thoát ra những thống-khổ ở đời.”

    Vua cha đáp, “Con biết không, bốn điều con xin đó thì chính cha đây cũng không có, làm sao cha có thể ban cho con được!”

    Cuối cùng, Phật đã quyết định từ bỏ hết tất cả để lên đường đi tìm một con đường giải thoát. Và sau khi Phật thành đạo, những vấn đề của Ngài đặt ra khi xưa với vua cha, chúng có mất đi chăng? Con người vẫn già, vẫn bệnh và vẫn chết, nhưng Phật đã hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của cuộc đời. Như vậy thì nguyên nhân của khổ đau không phải hoàn toàn nằm ở sinh, lão, bệnh, tử, hay do nơi hoàn cảnh chung quanh, mà phần lớn là do thái độ của chính mình, do nhận thức sai lầm của mình đối với chúng, phải không bạn?

Thực tại vẫn nhiệm mầu

Có lần trong một khóa tu, một thiền sinh hỏi: “Thưa Thầy có những lúc mà giờ phút hiện tại này quá khó khăn, con không thấy chút gì là dễ chịu hay tươi đẹp như Thầy nói hết.” (This present moment is not pleasant at all!) Vị Thầy im lặng rồi nhìn anh ta đáp, “Giây phút hiện tại này tuy có lúc không dễ chịu hay tươi đẹp, nhưng nó vẫn rất nhiệm mầu.” (It’s not necessarily pleasant but it is still wonderful.)

    Một bước chân ta đi, một con suối nhỏ, một con đường bụi bậm, một ngày mưa, một trưa nắng, một nụ cười hay một tiếng thở dài… tất cả đều là những thực tại mầu nhiệm của cuộc sống. Ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc nếu như mình biết có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, bằng một thái độ rộng mở và trong sáng.

    Mấy năm trước, có một anh bạn trẻ đến tham dự khóa tu lần đầu tiên. Cuối khóa tu, anh chia sẻ rằng vào những ngày đầu, anh thắc mắc tại sao chúng ta lại phải đi đứng chậm rãi, và lại chắp tay chào nhau mỗi khi tiếp nhận một vật gì, hoặc trước khi ngồi xuống trên tọa cụ! Anh kể, sau vài ngày, một buổi sáng bước ra khỏi phòng, anh ngước lên nhìn bầu trời hôm ấy nhiều mây, nhưng bỗng dưng anh cảm thấy không gian chung quanh mình đẹp lạ thường. Trong giây phút ấy, bất chợt anh tự động chắp tay lại và cúi xuống, cám ơn một thực tại nhiệm mầu.

    Tôi nghĩ, tu tập không có nghĩa là ta sẽ chối bỏ những niềm vui của cuộc sống. Nhưng hạnh phúc ấy không thể là một ý niệm, một mơ tưởng hay bằng sự tìm cầu nào, mà phải là một sự trải nghiệm của thực tại.

Nguyễn Duy Nhiên

Sunrise May 22 - 2014 (mh) (1)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Bạn với trời xanh

Bạn với trời xanh

(trích đoạn..)

Cho phép mình hạnh phúc

Sunse Feb 2 - 2014 (18)Trưa nay nhiều mây quá. Những cụm mây trắng như bông lần lượt xuất hiện rồi biến mất qua vùng trời xanh mênh mông quen thuộc mà tôi được ngắm. Tôi không ngủ trưa, chọn cho mình một gốc cây có bóng mát và lặng lẽ ngắm trời xanh sau vài phút tĩnh tọa, thở và cười. Tôi nhận thấy mình đã bắt đầu có thói quen hạnh phúc mỗi khi nhìn trời. Tôi cũng biết vùng trời kia, đám mây trắng kia là các pháp hữu vi, bản chất của nó là vô thường, vô ngã…

Tôi cũng nhớ Phật dạy người tu phải hộ trì sáu căn. Nhưng tôi biết phải có lý do nào đó để Sư ông Làng Mai luôn nhắc đến trời xanh mây trắng như là một hiện hữu nhiệm mầu nuôi dưỡng hạnh phúc:

Mắt thấy được trời xanh
Tai nghe tiếng chim hót.

(Bài tụng hạnh phúc)

Hay là: Chim hót thông reo hoa nở,
Trời xanh mây trắng là đây.

(Châu ngọc Pháp hoa)

Một vị đại sư cũng đã dạy hãy nên nhìn những hình ảnh đẹp đẽ mà chớ nhìn những hình ảnh xấu xa bại hoại…

Bất giác tôi tự hỏi không biết nếu tôi chết khi trong tâm đang nghĩ đến trời xanh thì tôi sẽ sinh về đâu. Rồi tôi tự trả lời bằng câu nói của Sư ông Nhất Hạnh: “Khi có hạnh phúc thì về đâu cũng được”. Không cần phải băn khoăn thêm. Nếu ngắm trời đem lại cho tôi hạnh phúc thì sao tôi không cho phép mình hưởng niềm hạnh phúc đó? Khi nhìn cái gì, ta là cái đó. Khi ngắm trời xanh, tôi cũng mênh mông như trời xanh. Thênh thang như trời xanh.

Trời có nói gì đâu

…. Tôi biết điều tôi nên làm là tiếp tục làm bạn với trời xanh. Để lại thấy hạnh phúc khi ngắm trời. Biết rằng mình còn đôi mắt sáng. Biết mình đang sống, và đang có tự do. Biết rằng mình không cô đơn, rằng không chỉ trời xanh mà tất cả mọi loài là bạn của mình.

Giữa buổi trưa yên tĩnh, đâu đây vang lên tiếng chim hót véo von. Tôi cũng tập mỉm cười khi nghe tiếng chim hót. Tu là tập. Mình đã tập để đau buồn được thì nay mình cũng sẽ tập để cho mình hạnh phúc được. Xen lẫn vào khá gần là tiếng hát của một dàn karaoke, tiếng xe cẩu làm việc. May quá, ngẩng lên tôi vẫn tìm gặp được người bạn im lặng muôn đời, như Khổng Tử nói: Thiên hà ngôn tai? (Trời có nói gì đâu). Trời có nói gì đâu, miễn lòng ta không bộn bề thế sự thì một mảnh trời xanh vẫn hằng có mặt cho ta, thiên nhiên bốn mùa vẫn hằng có mặt cho ta:

Mùa xuân, trăm hoa đua nở
Mùa thu, trăng vằng vặc
Mùa hạ, cơn gió mát
Mùa đông, tuyết sẽ rơi

Nếu điều vô dụng không vướng mắc tâm ngươi
Bất cứ lý do gì cũng đều tốt cả.

(Vô môn quan)

Hạnh phúc và may mắn quá, trời xanh là bạn của ta.

(Anh Nhi)

Nguồn: NSGN

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Tháng 3, trong tâm bão

Tháng 3, trong tâm bão

Trinh Trang Yarett

Bữa giờ rất nhiều người hỏi thăm tình hình ở New York City thế nào. Và thật tình là, với một đứa từng viết báo như mình, cũng không thể nào giải thích hay diễn tả bằng lời được hết những gì đang diễn ra trong bệnh viện bây giờ. Những ngày qua muốn viết cũng không viết nổi vì cảm xúc như đã chai sạn đi. Chỉ trong vòng 1 tháng, NYC của mình đã thay đổi đến chóng mặt, và hiện tại, ngay trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm trong bệnh viện là lại cảm thấy như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực.

Đầu tháng 3, hai vợ chồng được nghỉ và vẫn còn kéo nhau road trip xuyên bang. NYC và nước Mỹ lúc này vẫn còn hoạt động bình thường. Dịch bệnh lúc này hầu hết chỉ ở Seattle. Ngay trong bệnh viện mọi người cũng chỉ nói về Covid-19 như thể nó ở tận đâu xa lắm và không liên quan đến mình, chỉ là những ai đi du lịch từ những nước vùng dịch về thì phải cách ly 14 ngày. Hai đứa mình may mắn không lên kế hoạch đi chơi xa như mọi lần, vì cần ở lại đi ăn đám cưới bạn thân. Ngày xuất hành đi chơi cả hai còn đùa với nhau là nếu có ai đi dự đám cưới này mà bị nhiễm bệnh cũng chả sao, vì hết phân nửa khách mời là bác sĩ. Vậy mà chỉ trong vòng 10 ngày đi chơi mà mọi sự đã thay đổi đến chóng mặt.

Ngày thứ nhất, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York. Bệnh viện của hai đứa đều gửi email nhắc nhở mọi người cẩn thận, chú ý rửa tay thường xuyên.

Ngày thứ hai, email từ bệnh viện nhắc lại từng bước mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) trong trường hợp có bệnh nhân nghi mắc Covid-19.

Ngày thứ ba, ca bệnh thứ hai xuất hiện, dù không phải ở trong NYC mà là ở vùng ngoại ô New Rochelle, đây lại là ca siêu lây nhiễm khi bệnh nhân này đã nhập viện từ cách đó mấy ngày với chẩn đoán viêm phổi và hoàn toàn không được cách ly. Khi đọc tin này, mình đã bắt đầu thấy rùng mình khi nghĩ đến những người thân và nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này và hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ, và nghi là trong vài ngày tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca lây nhiễm từ bệnh nhân này.

Ngày thứ tư, có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Bệnh viện bọn mình tiếp tục gửi email nhắc nhở nên hạn chế đi du lịch đến các quốc gia có dịch, và nếu không có gì cần thiết thì đừng nên đi đâu cả. Lúc này dịch đã bùng phát mạnh mẽ tại Ý.

Ngày thứ năm, bệnh viện email nhắc lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong email họ cũng cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Lúc đọc email này mình thấy buồn cười, vì nước rửa tay khô bình thường để đầy trong kho, còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, cớ gì phải cấm như vậy. Nhắn tin hỏi bạn thì mới biết là do mọi người bắt đầu mua sạch sản phẩm này trong siêu thị, và bệnh nhân và người đi thăm bệnh bữa giờ đã “chôm” hết trong bệnh viện, nên bây giờ nó lại là hàng hiếm, và không được dùng thoải mái như xưa nữa.

Ngày thứ sáu, NY có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Email từ bệnh viện thông báo tất cả những buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 bác sĩ đều phải bị huỷ bỏ. Họ bắt đầu lo sợ nếu nhiều bác sĩ bị bệnh cùng lúc thì sẽ không có ai chăm bệnh nhân.

Ngày thứ bảy, NY có 89 ca. Bệnh viên thông báo tất cả những bác sĩ và nhân viên đang làm việc ở nước ngoài đều phải quay về ngay lập tức. Bạn bè nội trú của mình đang thực tập 1 tháng ở Châu Phi cũng bị bắt quay về. Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ đang được nghỉ phép phải khai báo là đã đi đâu và định đi đâu. Cả hai đứa mình đều phải đưa ra lịch trình đi chơi, lúc này chỉ mong về nhà ngay vì cảm thấy tình hình khá căng thẳng.

Ngày thứ tám, số ca tăng lên 106. Bệnh viên yêu cầu nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm, để tránh lây nhiễm.

Ngày thứ chín, 142 ca. Nước Ý thông báo giới nghiêm toàn quốc. Bệnh viện NY nhìn bệnh viện Ý bị quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Bệnh viện của mình thông báo PPE bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.

Ngày thứ mười, 173 ca. Hai đứa mình về lại NYC, chuẩn bị đi làm lại, và bước thẳng vào tâm bão.

Từ ngày thứ 10 đến hôm nay, mọi thứ hoàn toàn bị mất kiểm soát, và đây cũng là hiện thực cuộc sống trong tâm dịch:

Là tất cả bệnh viện ở NYC hiện giờ đang hoàn toàn quá tải. Số ca bệnh cứ tăng lên gấp đôi mỗi 3 ngày. Số lượng bệnh nhân bị nặng và cần đặt nội khí quản khá cao, và số máy thở đang vơi dần. Khi mình viết những dòng này, thì bệnh viện của mình và của Ian chỉ còn khoảng 100 máy thở mỗi nơi. Và vấn đề không phải chỉ ở số máy thở, mà còn là thiếu hụt số phòng và số nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân. Hiện giờ cả khoa nhi của bệnh viên mình đã phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến đang được dựng lên khắp nơi, và chính phủ đang kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc vì không đủ bác sĩ.

Là số đồ bảo hộ (PPE) cứ vơi dần đều. Ban đầu quy định là tất cả mọi người phải mang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm, và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân. Khi số lượng N95 giảm mạnh, thì quy định mới là được phép dùng lại N95 trong một ngày, rồi lại đổi thành chỉ được dùng N95 khi đặt nội khí quản, còn lại phải đeo khẩu trang thường. Và hiện tại bây giờ, khi số lượng khan hiếm cùng cực, thì mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng 1 lần) và phải dùng đúng cái khẩu trang đó đến khi nào có hàng mới về, ngày này qua ngày khác. Bình thường, chuyện dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng, và nếu bị bắt gặp thì sẽ bị phạt ngay, nhưng thời điểm này thì bao nhiêu quy định đều không còn tác dụng gì nữa hết.

Là hiện thực đau lòng là hầu hết bệnh nhân Covid-19 khi mất đều ra đi một mình. Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không còn được vào thăm nữa. Rất nhiều gia đình đã phải nhìn người thân của mình ra đi qua facetime, và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không liên lạc với họ được. Và mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất.

Là hầu hết nhà xác đều đã quá tải, không còn chỗ để thêm, nên bây giờ thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác. Và vì lệnh cấm tập trung đông người, nên người mất cũng không được có đám tang. Người nhà tới giờ vẫn không thể gặp họ lần cuối.

Là sản phụ bây giờ phải đi sinh một mình, không được có chồng hay người nhà vào thăm để tránh lây nhiễm. Là bao nhiêu ông bố lỡ dịp không được nhìn thấy con mình ra đời.

Là các nội trú sinh các ngành khác nhau đều được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu, khi họ hoàn toàn kiệt quệ về sức lực và quá nhiều bác sĩ đã mắc bệnh và phải ở nhà. Là quyết định cho sinh viên năm cuối trường Y tốt nghiệp sớm để có thêm một lượng bác sĩ mới để giúp bệnh viện trong cơn đại dịch này.

Là khi mình và bạn bè trong ngành đều không dám về nhà hay gặp người nhà, vì bọn mình đã mặc định là chắc chắn đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không đứa nào muốn để lây cho ba mẹ và ông bà. Cả tuần nay mẹ chồng mình đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn và nói chuyện với hai đứa mình qua cửa sổ. Hôm qua bà lại đòi vào nhà, và Ian phải nói, “Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được”. Thế là bà lại phải quay ra.

Là khi bọn mình phải sống trong nỗi sợ là sẽ lây bệnh cho chồng/vợ/người yêu, những người đang sống ngay trong nhà. Bạn bè mình có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người phải ra thuê khách sạn hoặc airbnb ở, đứa nào có con thì phải gửi con về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp con. Hai đứa mình vì cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát, và cứ mặc định là đứa nào bị trước cũng sẽ lây cho đứa kia thôi.

Là khi dịch bệnh khiến người ta phải lường trước tình huống xấu nhất. Các bác sĩ đều đang hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Vợ chồng phải dặn nhau trước là nếu đến lúc hoàn toàn hôn mê thì có nên đặt nội khí quản không, hay là cứ để cho ra đi thanh thản. Lời nói đùa mọi khi “Nếu em có chuyện gì thì anh cứ đi lấy vợ mới đi” trong thời điểm này lại thành ra nói thật.

Là các ông bố bà mẹ có con đi làm trong bệnh viện là cứ như đang ngồi trên đống lửa. Mẹ chồng mình thì mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau bắt hai đứa uống, và mỗi ngày đều tiếp tế lương thực, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được vào nhà gặp mặt. Mẹ đứa bạn mình, mỗi khi nó trực đêm là bà thức nguyên đêm nói chuyện cùng nó vì bà lo đến không ngủ được. Ba đứa khác thì năn nỉ nó xin nghỉ làm đến khi nào hết dịch rồi quay lại. Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ, vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa.

Nhưng trong thời điểm khó khăn này, lại làm mình thêm trân quý những gì mà gia đình, bạn bè, và cộng đồng đang chung tay góp sức giúp bọn mình chống dịch:

Là khi nhận được tin từ bệnh viện là chỉ còn đủ 1 khẩu trang cho mỗi bác sĩ, mình đã gửi tin nhắn cầu cứu đến một loạt bạn bè, hỏi xin nếu đứa nào còn khẩu trang thì cho mình mua lại. Vậy mà chỉ trong vòng mấy ngày, bọn bạn mình đã hỏi dò người quen và bằng cách nào đó mỗi đứa đều kiếm ra được vài chục khẩu trang gửi về cho mình. Ba mẹ cũng chạy khắp thành phố kiếm chỗ bán khẩu trang để gửi lên. Giờ vậy mà mình đã có đủ khẩu trang ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.

Là khi hàng loạt các nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn đều quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để bọn mình tập trung làm việc. Từ UberEats, Sweet Greens, rồi bao nhiêu tiệm bánh nổi tiếng, chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện ra là sẽ được ăn miễn phí, mà còn được giao tới tận bệnh viện nữa. Rồi thì nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế. Cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hy vọng về các bệnh viện.

Là khi cả thành phố hẹn nhau chiều nay đúng 7h cùng nhau vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện. Tới đúng giờ, ngồi trong bệnh viện nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, và vẫn giữ đúng luật không đi ra đường và không đứng gần nhau, lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Và vì tất cả những điều đó, mình tin là NYC sẽ qua được đại dịch này. Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa thì không ai biết được, nhưng Covid-19 sẽ qua đi, và thành phố này sẽ trở lại như xưa, vì ở đây có những con người luôn hết mình vì nó và luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ.

Bài viết cho một tháng 3 đầy bão táp

Trinh Trang Yarett

(Tác giả Trang Phương Trinh – một bác sĩ nội trú đang sinh sống và làm
việc tại thành phố New York – đã có bài viết phản ánh về tình hình dịch bệnh tại đây từ thời điểm thành phố xuất hiện ca nhiễm đầu tiên cho đến khi trở thành một trong những “tâm dịch” của nước Mỹ – March 2020)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Ai hạnh phúc nhất thế gian?

Ai hạnh phúc nhất thế gian?

black bird -sCó một con quạ đen sống ở trong rừng, và nó vô cùng thỏa mãn với cuộc sống của nó.

Cho đến một hôm nó nhìn thấy thiên nga…
“Thiên nga thật trắng, còn mình thì đen sì…”, nó tự nhủ.

Nó bèn tiến lại gần thiên nga và nói: “Cậu chắc là loài chim hạnh phúc nhất trên đời”.

Thiên nga nghe vậy bèn nói: “Thực ra tôi vẫn nghĩ tôi là loài chim hạnh phúc nhất trên đời, cho đến khi tôi nhìn thấy vẹt, chú ấy có những hai màu sắc sặc sỡ. Nên theo tôi, vẹt mới là loài chim hạnh phúc nhất thế gian này.”

Sau đó, quạ bèn đi tìm vẹt.

Vẹt nói: “Tôi cũng đã từng sống rất hạnh phúc, cho đến khi tôi nhìn thấy bác Công. Tôi thì chỉ có hai màu, bác ấy thì có đủ các màu sắc sặc sỡ.”

Quạ bèn đến bên bác Công và nói: “Bác Công à, bác thật là đẹp. Ngày nào cũng có hàng ngàn người ghé thăm bác trong khi nhìn thấy cháu thì họ chỉ xua đi. Có lẽ bác là loài chim hạnh phúc nhất trên đời.”

Bác Công trả lời: “Ta đã luôn nghĩ mình là loại chim hạnh phúc nhất trên đời… Nhưng chỉ vì vẻ đẹp bề ngoài mà ta suốt ngày bị giam cầm trong lồng sắt. Ta đã nghĩ rất nhiều và cảm thấy rằng, chỉ có loài quạ là không bao giờ bị giam cầm. Vì vậy suốt mấy ngày qua, ta đã nghĩ ước gì mình là một con quạ đen. Có thể tung cánh bay lượn khắp thế gian này.
.
Quạ nghe vậy hết sức ngạc nhiên và .. bừng tỉnh.

So đo chi với cuộc đời
Dành thời gian đó ngồi chơi với mình
Lao đao bởi tại cái nhìn
Hạnh phúc nơi mình, Ai biết, trọn vui!

Như Nhiên
TTT

This slideshow requires JavaScript.

Posted in Uncategorized | Leave a comment